30.3.17

3 bí quyết đơn giản giúp cải thiện việc học

Bạn khó tập trung và thường suy nghĩ vẩn vơ trong lúc học? Bạn muốn tìm cách để học nhanh hơn, nhớ kiến thức lâu hơn? Sau đây là 3 nghiên cứu tiết lộ những bí quyết đơn giản giúp bạn nâng cao khả năng học tập của mình.


1. Một bí quyết để bớt suy nghĩ vẩn vơ khi đang học 

Điều này xảy ra với tất cả chúng ta – ta định tập trung đọc bài, nhưng tâm trí ta lại nghĩ về những thứ khác ("Phải nhớ sạc điện thoại", "Mình nói mình sẽ gặp Sarah vào lúc mấy giờ nhỉ?") May thay, nghiên cứu của tạp chí Memory and Cognition đã xác định một phương cách dễ dàng để giảm bớt tình trạng xao nhãng khi đang học. Bạn chỉ cần đảm bảo tài liệu học tập nằm trong “điểm ngọt ngào” của bạn – một việc không quá dễ cũng không quá khó.

Để làm thí nghiệm, Judy Xu và Janet Metcalfe kiểm tra khả năng của 26 sinh viên trong việc dịch 179 từ tiếng Anh khác nhau sang tiếng Tây Ban Nha. Đối với bất cứ từ nào bị dịch sai, sinh viên phải cho biết là mình sắp học đến từ đó hay còn lâu mới học đến. Dựa vào điều này, các nhà nghiên cứu tạo ra một danh sách những cặp từ cho từng người tham gia – một số từ họ đã nắm vững, một số từ sắp học đến (các nhà tâm lý gọi đây là “vùng học tập tiệm cận”), và một số cặp từ khó còn lâu mới học đến. 

Kế đó, các sinh viên dành thời gian học các cặp từ dễ, trung bình và khó, và được kiểm tra định kỳ thông qua dấu nhắc trên màn hình là liệu họ đang tập trung vào việc học hay đang suy nghĩ vẩn vơ (họ thừa nhận mình suy nghĩ vẩn vơ trong 1/3 thời gian). Cuối cùng, các sinh viên được kiểm tra các cặp từ họ vừa học. Như các nhà nghiên cứu dự đoán, các sinh viên suy nghĩ vẩn vơ nhiều hơn khi học cặp từ khó và các cặp từ dễ, so với những cặp từ khó trung bình. Hơn nữa, bài kiểm tra cuối cùng cho thấy các sinh viên thể hiện rất tốt ở các cặp từ mà họ tập trung học thay vì suy nghĩ vẩn vơ. 

Cuộc thí nghiệm cuối cùng cho thấy các kết quả này dao động tùy theo khả năng nắm vững tài liệu của mỗi người. Nhiều sinh viên hơn được kiểm tra 2 lần ở những cặp từ tiếng Anh-tiếng Tây Ban Nha dễ, trung bình và khó sau 2 buổi học liên tiếp. Những người thể hiện kém hơn trong bài kiểm tra cho thấy họ suy nghĩ vẩn vơ nhiều hơn khi học các cặp từ khó, trong khi những người thể hiện tốt hơn thì suy nghĩ vẩn vơ nhiều hơn khi học các từ dễ hơn. 

Các nhà nghiên cứu nói rằng phát hiện của họ cho thấy ta cần có một "thiết bị đo lường tinh vi” để tìm độ khó phù hợp trong học tập để giảm bớt việc suy nghĩ vẩn vơ, và rằng "điểm ngọt ngào" phụ thuộc vào độ khó của tài liệu và kiến thức chuyên môn của người học. Bạn có thể thử làm một số bài kiểm tra cơ bản một mình hoặc làm chung với một người bạn để cố gắng tìm tài liệu học tập phù hợp với điểm ngọt ngào của bạn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: "Kết quả của chúng tôi cho thấy các sinh viên đôi khi có thể suy nghĩ vẩn vơ không phải vì thiếu động lực hay không có khả năng học tập, mà vì độ khó của tài liệu họ cần học không phù hợp với họ."

2. Để học nhanh hơn và nhớ lâu hơn, hãy "vừa học vừa ngủ" 

Theo tâm lý học, một số quy tắc cơ bản để học tập hiệu quả đã được biết đến rộng rãi. Tự kiểm tra bản thân và học lại các kiến thức đã quên là rất có ích, đặc biệt khi ta thực hiện việc này sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi đủ dài, thay vì “học nhồi nhét”. Giấc ngủ cũng được biết là cực kỳ có ích cho việc củng cố ký ức mới. Một cuộc nghiên cứu trên tạp chí Psychological Science được xây dựng dựa trên những hiểu biết này, cho thấy việc ngủ sau mỗi buổi học giúp ta học hiệu quả hơn và lâu dài hơn. 

Stéphanie Mazza và các đồng nghiệp chỉ định 3 chế độ học tập khác nhau cho 60 người Pháp tham gia thí nghiệm. Cả 3 nhóm đều phải đối mặt với thách thức đầu tiên giống nhau – họ phải học nghĩa tiếng Pháp của 16 từ thuộc ngôn ngữ Swahili. Ở buổi đầu tiên, các cặp từ được trình bày tuần tự, sau đó những người tham gia được kiểm tra tình trạng học từ của họ. Trong trường hợp học trả lời sai hoặc không nhớ được, họ được cho biết câu trả lời đúng. Quá trình này được lặp lại cho đến khi người tham gia nhớ được tất cả các cặp từ.

Một nhóm hoàn thành buổi học đầu tiên vào 9 giờ sáng và sau đó họ quay lại buổi thứ hai, buổi “học lại” vào 12 tiếng sau đó. Buổi học bao gồm việc kiểm tra các cặp từ - lại một lần nữa những người tham gia được cho biết câu trả lời đúng cho bất cứ từ nào họ đã quên, và quá trình này tiếp diễn cho đến khi họ đã nhớ lại tất cả các cặp từ. 

Một nhóm khác tiến hành buổi học đầu tiên lúc 9 giờ tối, họ đi ngủ, và sau đó hoàn tất buổi học lại vào 9 giờ sáng ngày hôm sau. Nhóm kiểm soát cuối cùng cũng học buổi đầu tiên vào buổi tối, họ đi ngủ, sau đó họ được kiểm tra vào sáng hôm sau, và không có cơ hội được học lại. 

Để đo lường hiệu quả của các điều kiện học tập khác nhau, các nhà nghiên cứu cho người tham gia một bài kiểm tra tiếp theo về các cặp từ một tuần sau đó, và một cuộc kiểm tra nữa sau 6 tháng. Nhiều điểm khác biệt nhóm quan trọng xuất hiện.

Nhóm học - ngủ - học lại cho thấy kết quả làm bài kiểm tra ban đầu tốt hơn ở buổi học lại, và việc học lại những từ đã quên trong buổi này thì nhanh hơn so với nhóm học vào buổi sáng rồi học lại vào buổi tối. Hơn nữa, nhóm học-ngủ-học lại thể hiện tốt hơn so với nhóm học-thức-học lại ở cả bài kiểm tra lại một tuần sau đó và bài kiểm tra lại 6 tháng sau đó.

Trong khi nhóm học-ngủ-học lại cho thấy học gần như không quên cặp từ nào sau một tuần, thì nhóm học-thức-học lại đã quên đi đáng kể (khoảng từ 4 đến 5 cặp từ), tương đương với việc tỉ lệ của nhóm kiểm soát đã học-ngủ-làm kiểm tra mà không được học lại. Nhóm học-ngủ-học lại cũng thể hiện kết quả vượt trội so với các nhóm khác ở bài kiểm tra 6 tháng sau. 

Các nhà nghiên cứu đã loại ra các cách giải thích khác cho khám phá này, chẳng hạn như các điểm khác biệt là do người tham gia cảm thấy buồn ngủ trong khi làm kiểm tra (không có điều này xảy ra). Kết quả gợi ý rằng việc ngủ giữa 2 buổi học là một cách học hiệu quả, cải thiện việc ghi nhớ lâu dài và tăng cường hiệu quả của việc học lại vào buổi học thứ hai. Ta cần nhiều nghiên cứu hơn để khám phá ra cơ chế của cách thức này, nhưng có một khả năng là vì việc ngủ bảo đảm các ký ức ban đầu được trí nhớ lưu trữ tốt hơn, và quá trình học lại sau đó trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn vì được thực hiện dựa trên ký ức được củng cố nhờ giấc ngủ. Sẽ rất thú vị khi xem xét liệu các nguyên tắc này có thể áp dụng cho trí nhớ về tiến trình (procedural memory) không, chẳng hạn như việc học kỹ năng. 

3. Việc đoán sai câu trả lời giúp bạn học được câu trả lời đúng như thế nào 

Mọi người đều biết rằng việc làm kiểm tra sẽ giúp ta học. Hành động nhớ lại thông tin giúp ta ghi nhớ thông tin đó. Điều này có vẻ thuộc về trực giác. Ngạc nhiên hơn là khám phá gần đây cho rằng việc dự đoán câu trả lời hỗ trợ cho việc học câu trả lời đúng sau đó, cho dù dự đoán ban đầu có sai đi nữa. 

Hãy xem xét một ví dụ đơn giản khi bạn học tên các thủ đô. Hãy tưởng tượng bạn không biết thủ đô của Brazil. Ở tình huống đầu tiên, tôi chỉ cho bạn từ Brazil và nhiệm vụ của bạn là nói tên thủ đô. Vì bạn không biết, bạn đoán là “Rio de Janeiro”. Giai đoạn đoán này mất 8 giây. Sau đó trong vòng 5 giây, tôi chỉ cho bạn thấy từ Brazil cùng với câu trả lời đúng là “Brasilia”. Ở tình huống thứ hai, bạn có 13 giây để học cặp từ chỉ quan hệ đất nước/thủ đô là Brazil và Brasilia

Sau đó, tôi kiểm tra việc học của bạn. Cuộc nghiên cứu mới về việc dự đoán cho thấy rằng bạn dễ nhớ lại hơn câu trả lời đúng ở tình huống đầu tiên, khi mà dự đoán ban đầu của bạn là sai. Điều này trái với trực giác vì 2 lý do – đầu tiên, bạn ít có thời gian hơn để học thông tin đúng (5 giây so với 13 giây) và thứ hai, vì nghĩ ra câu trả lời sai, thứ mà bạn cho rằng sẽ làm gián đoạn trí nhớ của bạn trong việc học câu trả lời đúng. 

Làm sao chuyện này xảy ra được? Một cuộc nghiên cứu mới của Veronica Yan và các đồng nghiệp tại Đại học California, Los Angeles, đã kiểm tra 2 khả năng. Để hiểu khả năng đầu tiên, ta cần biết cuộc nghiên cứu trước đó về hiệu quả của việc dự đoán có khuynh hướng sử dụng các cặp từ có liên quan với nhau về ý nghĩa, chẳng hạn như “cây ô-liu” và “cành” hoặc “cá voi” và “động vật có vú”. Một số người tham gia chỉ học các cặp từ, số khác đoán từng từ trong cặp đôi trước khi được cho xem từ đúng. Quá trình dự đoán (dù có sai) thúc đẩy việc ghi nhớ đối với các cặp từ hơn là khi chỉ học từ.

Quan trọng là cuộc nghiên cứu vừa rồi có khuynh hướng sử dụng các cặp từ có chút liên quan với nhau về ý nghĩa, trong khi những người tham gia theo điều kiện dự đoán thường đoán các từ có liên hệ mạnh mẽ. Yan và các đồng nghiệp lập luận rằng đây là cách mà quá trình dự đoán trở thành công cụ hỗ trợ trí nhớ. Khi nói đến bài kiểm tra trí nhớ về các cặp từ, những người tham gia theo điều kiện dự đoán có thể đưa ra quy tắc dựa vào kinh nghiệm là “câu trả lời đúng luôn luôn có chút liên quan với dự đoán ban đầu”. Đây là một quan sát tinh tế của nhóm Yan, nhưng họ không tìm thấy các chứng cứ chứng minh cho giả thuyết của họ. Hiệu ứng dự đoán vẫn phát huy ích lợi khi họ sử dụng các cặp từ có liên hệ nhiều và ít với nhau. 

Cách giải thích thứ hai mà nhóm Yan đã kiểm tra liên quan đến việc liệu dự đoán của người đó có luôn sai hay không. Nếu dự đoán ban đầu luôn sai thì dự đoán sai sẽ luôn dễ bị ngăn chặn, từ đó hỗ trợ ta nhớ lại câu trả lời đúng. Nhóm Yan cũng thấy lời giải thích này chưa chính xác. Những người tham gia vẫn được lợi từ hiệu ứng dự đoán ngay cả khi họ sắp xếp để làm cho số dự đoán đúng và sai bằng nhau.

Cuộc nghiên cứu cuối cùng của nhóm Yan đã xem xét hiệu ứng dự đoán có tác dụng trong bao lâu. Họ lập luận rằng có lẽ nó chỉ có tác dụng ngắn hạn, trong khi những người tham gia có thể dễ dàng nhớ và loại bỏ dự đoán sai của họ. Thật ra thì hiệu ứng dự đoán, dù không đoán đúng, vẫn có tác dụng ngay cả khi những người tham gia được kiểm tra vào 61 giờ sau.
 

Vì sao việc dự đoán lại có tác động có lợi cho việc học? Sự thật là chúng tôi vẫn chưa rõ câu trả lời. Cách giải thích đang ngày càng được ủng hộ có liên quan đến thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “sự kích hoạt ngữ nghĩa”. Họ nói rằng việc dự đoán kích hoạt mạng lưới tư duy về kiến thức và các sự kiện có liên quan đến câu trả lời đúng, khiến việc lưu trữ thông tin đúng sau này được dễ dàng hơn khi thông tin đó được cung cấp. 

Từ cái nhìn thực tế, cuộc nghiên cứu về các tác dụng có lợi của việc dự đoán gợi ý rằng các giáo viên không nên lo lắng quá nhiều về những bài kiểm tra quá khó. Cho dù học sinh đưa ra những câu trả lời sai, miễn là họ cung cấp thông tin đúng sau đó thì hành động dự đoán của học sinh thật ra sẽ có thể hỗ trợ, chứ không phải cản trở việc học. 

Tác giả: Christian Jarrett