Hôm nay ghé qua hiệu sách Fahasa, bắt gặp một chồng "Cẩm nang tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017" chình ình ngay giữa nhà sách. Vậy là một năm tuyển sinh nữa lại chuẩn bị đến, nơi các em lại chuẩn bị băn khoăn với việc chọn ngành chọn trường. Nhớ giờ này năm ngoái mình cũng có một cậu em trai băn khoăn như vậy. Cậu thì thích học ngành Du lịch tại Hà Nội, nhưng ba mẹ cứ nhất quyết bắt cậu phải theo ngành Mỏ, bởi theo ba mẹ "ngành mỏ mới giàu được".
Bản thân mình là người quyết định nhanh, nên thú thật thời điểm khi vào đại học không có mất quá nhiều thời gian phân vân chọn xem học ngành gì. Nhưng xung quanh mình những người hoang mang thì nhiều, mà mỗi người thì lại một lý do.
- Trong thời gian vừa rồi mình có nhiều cơ hội được gặp gỡ nhiều em sinh viên học ngành kinh tế. Khi hỏi vui các em là vì sao chọn học ‘Quản trị kinh doanh’ hay ‘Kinh doanh quốc tế", câu trả lời đều kiểu như là: "Em không biết.", "Vì em thấy cái tên nó hay", "Vì học ngành quốc tế thì sẽ được du lịch nhiều nơi". Rất tiếc, tên ngành học không quyết định được tên công việc chúng ta làm sau này. Chẳng lấy ví dụ đâu xa, mình học truyền thông nhưng không làm truyền thông. Thay vào đó mình làm Sale, làm chăm sóc khách hàng, làm thương hiệu, làm Marketing.
- Nhiều người thì lại chọn ngành vì nghĩ rằng ngành đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đơn cử khoảng 7-8 năm trước khi mình học cấp 2, mình thấy ngành phân tích chứng khoán rất là hot. Sau đó đến thời điểm mình thi đại học thì lúc đó đang hot ngành ngân hàng. Nhà nhà học ngân hàng, trường nào cũng có khoa ngân hàng. Ai cũng nghĩ cứ vào ngân hàng thì lúc tốt nghiệp chắc chắn cũng có việc. Bây giờ thì sao? Ngân hàng vào khó thiệt khó, trong khi đó các ngành như IT, sinh học công nghệ cao, truyền thông thì lại đang rất cần người.
Việc chọn cho bản thân một ngành hay một nghề để theo đuổi cần dành thời gian để khám phá bản thân cũng như khám phá thị trường tuyển dụng. Các em có thể khám phá về bản thân thông qua các bài test tính cách, hỏi han những người xung quanh nhận xét về mình. Để hiệu thị trường tuyển dụng, việc làm, cách nhanh nhất là phân tích một tin tuyển dụng có sẵn trên mạng.
Lấy ví dụ, các em vào một trang tuyển dụng bất kỳ, ví dụ như trang Ybox.vn và xem thử một tin tuyển dụng. Ở đây mình lấy tin Uber Hà Nội Tuyển Cộng Tác Viên Truyền Thông Tháng 4/2017.
Lấy ví dụ, các em vào một trang tuyển dụng bất kỳ, ví dụ như trang Ybox.vn và xem thử một tin tuyển dụng. Ở đây mình lấy tin Uber Hà Nội Tuyển Cộng Tác Viên Truyền Thông Tháng 4/2017.
- Nếu các em đọc kĩ phần Yêu cầu của công việc sẽ thấy, Uber không có yêu cầu ứng viên phải theo học ngành Truyền thông thì mới được ứng tuyển vào vị trí này, tức là em học bất kỳ ngành gì đều có thể ứng tuyển tại đây.
- Thay vào đó Uber yêu cầu các kĩ năng như kĩ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, hướng ngoại, năng động, vân vân. Đây là các kĩ năng mà chúng ta hoàn toàn có thể trau dồi bên ngoài việc học tập, thông qua các hoạt động xã hội, tham gia các câu lạc bộ trong trường, tham gia các câu lạc bộ ngoài trường. Vậy nên có thể lười học, chứ đừng lười tham gia các hoạt động xã hội. Cũng đừng nghĩ là cứ phải người hướng ngoại thì mới tham gia các hoạt động như vậy. Nếu em nhút nhát, dụt dè, không thích giao tiếp, hãy chọn những công việc như lên kế hoạch, tính toán trong câu lạc bộ.
- Bây giờ công nghệ thông tin đang phát triển như gió, theo cơn gió đó là hàng trăm hàng nghìn công việc mới xuất hiện. Ví dụ như cùng với sự phát triển của Facebook, ta có các vị trí mới như Content Marketer, Digital Marketing Executive, những vị trí mà bố mẹ chúng ta thế hệ trước chẳng ai biết là gì.
- Ba mình dạy mình là chúng ta chỉ kiểm soát được bản thân chúng ta thôi, chứ không kiểm soát được thế giới xung quanh chúng ta. Thị trường tuyển dụng việc làm cũng thế, có quá nhiều biến động xung quanh mà chúng ta chả thể nào kiểm soát được. Ví dụ như lạm phát kinh tế, chiến tranh, chính trị vân vân và mây mây. Vậy nếu những cái này không kiểm soát được, chúng ta sẽ kiểm soát cái gì? Cái kiểm soát được là kĩ năng của chính bản thân cũng như những mối quan hệ mà chúng ta có.
- Trong kĩ năng thì nói đơn giản là kĩ năng cứng và kĩ năng mềm. Kĩ năng cứng là các thứ mà ta học được, ví dụ như kĩ năng Microsoft Office, kĩ năng chụp ảnh, kĩ năng Photoshop. Kĩ năng mềm là các kĩ năng chúng ta có được thông qua các hoạt động xã hội hoặc câu lạc bộ, ví dụ như kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm, vân vân và mây mây. Cách đơn giản để biết được ta nên học kĩ năng nào là lên Google. Ví dụ bạn muốn theo ngành Marketing nhưng không biết phát triển kĩ năng nào, hãy lên Google và tìm ‘skills for marketing’, sẽ ra cả đống.
- Các mối quan hệ chuyên nghiệp cũng rất quan trọng. Thật ra, chỉ có 20% các công việc đăng tuyển online thôi, 80% người ta tìm người giỏi thông qua các mối quan hệ hết. Nên khi còn là sinh viên, chúng ta cố gắng xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp càng rộng càng tốt. Ban đầu hãy làm quen với các bạn bè xung quanh mình, chơi với những người giỏi, chơi thật lòng chứ đừng chơi để lợi dụng. Sau đó cố gắng tham gia các buổi hội thảo nghề nghiệp để làm quen với các anh chị có máu mặt hơn trong ngành.
Vậy nói chung là, trước khi quyết định chọn ngành hay chọn trường nào, chúng ta cần làm những gì?
- Tìm hiểu thật kĩ về ngành mà chúng ta hứng thú. Tìm hiểu bằng cách 1) Đọc thật kĩ về giới thiệu ngành đó, cơ hội nghề nghiệp ra trường làm công việc gì. 2) Lên trang web của trường xem trong ngành đó học các môn gì, khi mình nghe tên môn đó mình có thấy hứng thú không. 3) Lên Facebook tìm các Group hoặc Confession của các trường có ngành đó, hỏi các anh chị đã học ngành đó trước để lấy ý kiến từ người trong cuộc.
- Làm một vài bài test tính cách để biết được sơ bộ mình có tính cách, kĩ năng nào nổi bật, từ đó chọn được ngành liên quan.
- Đọc sơ sơ một vài tin tuyển dụng về các vị trí mà trong bản mô tả ngành học có nói đến sau khi tốt nghiệp. Đọc xong xem có thấy hứng thú không? Có hiểu không? Và xem trong các tin tuyển dụng đó, công ty đòi hỏi ứng viên phải có kĩ năng gì?
Chúc các em sẽ có những lựa chọn đúng cho bản thân.
Tác giả: Lê Tuấn Anh