29.9.16

Vì sao thái độ quan trọng hơn chỉ số thông minh?

Khi nói đến thành công, mọi người dễ nghĩ rằng những người có đầu óc thông minh chắc chắn sẽ vượt xa tất cả chúng ta. Nhưng nghiên cứu mới của đại học Stanford sẽ thay đổi suy nghĩ (và cả thái độ) của bạn.

Nhà tâm lý học Carol Dweck đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về thái độ và hiệu quả làm việc, và nghiên cứu gần đây nhất của bà cho thấy thái độ là yếu tố dự đoán thành công chính xác hơn cả IQ.

Dweck phát hiện ra rằng thái độ cốt lõi của con người thuộc một trong hai nhóm: tư duy cố định hoặc tư duy cầu tiến.

Nếu có tư duy cố định, bạn tin bản chất của mình vốn như vậy và không thể thay đổi. Suy nghĩ này có vấn đề khi bạn gặp thử thách bởi lẽ bất kỳ việc gì có vẻ quá sức với bạn ddeuf khiến bản thấy bất lực và quá tải.

Những người có tư duy cầu tiến tin rằng họ có thể cải thiện bản thân nếu nỗ lực. Họ vượt trội hơn những người có tư duy cố định dù có IQ thấp hơn, vì họ chấp nhận thử thách và xem chúng như cơ hội để học hỏi điều mới.

Thông thường mọi người quan niệm rằng việc có những năng lực như thông minh thì sẽ mang đến sự tự tin. Đúng là người thông minh thì sẽ tự tin, nhưng chỉ khi gặp điều kiên thuận lợi. Nhân tố quyết định trong cuộc sống chính là cách bạn xử lý các khó khăn và thử thách. Người có tư duy cầu tiến sẵn sàng đón nhận khó khăn.

Theo Dweck, thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại. Bà diễn tả cách nhìn nhận thất bại của người có tư duy cầu tiến như sau:

"Thất bại là thông tin - ta gán cho nó cái tên thất bại nhưng ý nghĩa của nó giống thế này hơn, 'Cách này không hiệu quả, mình là một người giải quyết vấn đề nên mình sẽ thử cách khác.'"


Thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại.

Bất kể bạn thuộc nhóm tư duy nào, bạn có thể tạo ra thay đổi và hình thành một tư duy cầu tiến. Sau đây là vài chiến lược điều chỉnh tư duy dành cho bạn:

1. Đừng mãi bất lực. Ai cũng đều trải qua những lúc cảm thấy bất lực. Quan trọng là cách ta phản ứng lại cảm xúc đó. Ta có thể học hỏi từ nó và tiến bước hoặc để nó kìm hãm ta. Có vô số người thành công sẽ chẳng bao giờ đạt được thành công nếu họ đầu hàng cảm giác bất lực. Walt Disney bị Kansas City Star sa thải vì "thiếu sáng tạo và không có ý tường hay", Oprah Winfrey không được làm phát thanh viên truyền hình ở Baltimore vì "đặt quá nhiều cảm xúc vào các câu chuyện của mình", trước khi thành công với Ford thì Hery Ford đã hai lần kinh doanh thất bại và Steven Spielberg từng bị trường Nghệ thuật Điện ảnh thuộc Đại học Nam California từ chối rất nhiều lần. Hãy tưởng tượng nếu có ai trong số họ có tư duy cố định thì chuyện gì sẽ xảy ra. Họ sẽ gục ngã khi bị từ chối và từ bỏ hy vọng. Những người mang tư duy cầu tiến không thấy bất lực vì họ biết muốn thành công thì ta cần sẵn sàng chấp nhận thất bại và sau đó đứng bật dậy ngay.

2. Hãy đam mê. Những người mạnh mẽ không ngừng theo đuổi đam mê của mình. Sẽ luôn có người bẩm sinh tài năng hơn bạn, nhưng bạn có thể lấy đam mê bù đắp cho thiếu sót về tài năng. Đam mê của những người mạnh mẽ là yếu tố khiến họ không ngừng theo đuổi sự ưu tú Warren Buffet khuyên bạn tìm đam mê thật sự của mình bằng cách sử dụng phương pháp mà ông gọi là kỹ thuật 5/25: Viết ra 25 điều bạn quan tâm nhất. Sau đó gạch bỏ 20 điều bạn ít quan tâm hơn thì 5 điều còn lại chính là những đam mê thật sự của bạn, những thứ khác chỉ khiến bạn phân tâm thôi.


Đam mê là yếu tố khiến bạn không ngừng theo đuổi sự ưu tú.

3. Hành động. Không phải những người có tư duy cầu tiến thông minh hơn hết thảy chúng ta nên họ có khả năng vượt qua nỗi sợ; mà chỉ là họ hiểu rằng nỗi sợ và lo lắng làm tê liệt cảm xúc và cách tốt nhất để vượt qua sự tê liệt này là hành động. Người có tư duy cầu tiến rất mạnh mẽ, và người mạnh mẽ biết rằng không có cái gọi là thời điểm thật sự hoàn hảo để tiến lên. Vậy sao phải chờ đến thời điểm đó nhỉ? Hành động biến nỗi lo sợ thất bại thành năng lượng tích cực và tập trung.

4. Nỗ lực thêm nữa. Người mạnh mẽ cống hiến hết mình thậm chí vào những ngày tồi tệ nhất của họ. Họ luôn thúc đẩy bản thân nỗ lực thêm nữa. Một trong những học trò của Lý Tiểu Long cùng chạy với ông 5km mỗi ngày. Một ngày nọ khi họ sắp chạy xong 5km thì Lý Tiểu Long nói, "Hãy chạy thêm 3km nữa." Cậu học trò mệt mỏi lên tiếng, "Chạy thêm 3km nữa là con chết mất." Lý Tiểu Long đáp lại thế nào? "Vậy thì chết đi." Cậu học học trò tức giận đến nỗi chạy hết đoạn đường dài 8km. Kiệt sức và giận dữ, cậu tỏ thái độ trước lời nhận xét của thầy mình và Lý Tiểu Long giải thích: "Bỏ cuộc thì chết cho rồi. Nếu con luôn giới hạn bản thân về thể chất hay bất kỳ mặt nào khác thì giới hạn đó sẽ hạn chế mọi mặt trong cuộc sống của con. Nó sẽ giới hạn công việc, đạo đức và cả con người con. Giới hạn không tồn tại. Tuy có những điểm dừng nhưng còn không được yên vị ở đó mà phải vượt qua chúng. Chết thì chết. Con người phải luôn vượt qua giới hạn của bản thân." Nếu mỗi ngày bạn không tốt lên thì rất có thể bạn sẽ tệ đi - và sống như thế thì sống làm gì?


Nếu mỗi ngày bạn không tốt lên thì rất có thể bạn sẽ tệ đi.

5. Hướng đến kết quả.  Những người có tư duy cầu tiến biết sẽ có lúc mình thất bại, nhưng họ không bao giờ ngăn mình hướng đến kết quả. Hướng đến kết quả giúp bạn duy trì động lực và sự tự tin. Dù sao nếu không nghĩ mình sẽ thành công thì bạn mất công hành động để làm gì?

6. Linh hoạt. Ai cũng đều gặp phải những nghịch cảnh không lường trước. Người có tư duy cầu tiến và mạnh mẽ xem nghịch cảnh là để tiến bộ chứ không phải là lý do khiến họ chùn bước. Khi một tình huống bất ngờ thử thách người mạnh mẽ, họ linh hoạt xử lý cho đến khi đạt được kết quả.

7. Đừng than phiền khi mọi chuyện không như ý. Than phiền là một dấu hiệu rõ ràng thể hiện tư duy cố định. Người có tư duy cầu tiến tìm cơ hội ở khắp nơi nên họ sẽ không có thời gian để than phiền.

Tác giả: Travis Bradberry