23.7.16

Nghề dược và xu hướng phát triển


Nghề Dược là nghề liên quan đến dược phẩm (thuốc) và có nhiều phân nhánh nhỏ: nghiên cứu, sản xuất, lưu thông, đảm bảo chất lượng, quản lí dược, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc tới người bệnh,…đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, ưa khám phá và cần lương tâm nghề nghiệp. Ngành Dược Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhưng dư địa phát triển ngành là rất lớn.

Hiểu một cách đơn giản, Dược là Thuốc, nghề Dược là nghề liên quan đến dược phẩm (thuốc) và có nhiều phân nhánh nhỏ: nghiên cứu, sản xuất, lưu thông, đảm bảo chất lượng, quản lí dược, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc tới người bệnh,…


Để làm việc trong ngành này, bạn có thể học Sơ cấp, Trung cấp, Đại học và Cao học. Rất nhiều lựa chọn, nhưng để đứng vững thì phải xem tính cách mình có hợp với nghề không.

Nghề dược cần sự chính xác và bền bỉ. Thuốc để phòng và trị bệnh nên mọi khâu đều phải tuân theo quy chuẩn nghiêm ngặt, từ nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, hướng dẫn sử dụng, cho đến hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Các quy trình này đều có những bộ phận kiểm duyệt, quản lí chất lượng giám sát trực tiếp.

Chúng ta vẫn thường thấy trên báo đài và các phương tiện truyền thông, chất lượng và giá thành dược phẩm luôn là những vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận và đòi hỏi sự quản lí chặt chẽ. Ví dụ như: Muốn đăng kí sản xuất thuốc, qua nhiều hội đồng xem xét và đánh giá rồi mới được cấp giấy phép. Hướng dẫn sử dụng phải đầy đủ và dễ hiểu. Hoạt động quảng cáo, tiếp thị phải chân thực, không phóng đại, nói quá. Và rất nhiều quy định khác liên quan đến việc sản xuất và lưu thông dược phẩm trên thị trường, bất kể là đông dược hay tân dược, thuốc phòng bệnh hay chữa bệnh.

Chưa hết, Dược là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng hết sức nguy hiểm bởi quá trình nghiên cứu và sản xuất phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại. Ngay cả những bậc lão thành trong nghề luôn phải thận trọng. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, vì thế, kỷ luật trong ngành này cũng khá nghiêm, đặc biệt trong Quân y, yêu cầu về sự bền bỉ cao khắt khe hơn trong hoạt động nghiên cứu. Tương tự như những lĩnh vực nghiên cứu khác, việc tìm ra một loại thuốc mới có thể dài bằng cuộc đời của một nhà nghiên cứu, những loại thuốc là thành quả lao động của nhiều thế hệ dược sĩ và nghiên cứu sinh, chưa kể đến thời gian kiểm nghiệm. Không ai nói trước được quá trình này diễn ra trong bao lâu, năm, mười, hai mươi năm…

Tính cách ưa khám phá cũng rất hợp với nghề Dược. Xu hướng hiện nay của nghề Dược là nghiên cứu và tìm ra những loại thuốc mới, hiệu quả và an toàn. Vì vậy, Dược sĩ luôn cần tự trau dồi kiến thức, tiếp thu những phát minh mới của nhân loại. Để làm được điều này, ngoại ngữ là một phần không thể thiếu.

Được coi là nghề thanh tao và tương đối nhẹ nhàng, Dược sĩ có thu nhập khá trong xã hội nên thích hợp với nữ giới. Nhiều bạn đã chọn con đường này, thế nhưng không ít người gắn bó lâu dài với nghề. Để sử dụng đúng kiến thức chuyên môn của mình, các bạn phải chọn làm việc trong ngành Dược bào chế, chứ không phải kinh doanh tại các doanh nghiệp như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Trước xu thế hội nhập sâu rộng với các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á – những thị trường tiêu thụ thuốc lớn của thế giới, Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn từ những thị trường này.

Theo Báo cáo của IMS Institute for Healthcare Informatics, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có công nghiệp dược đang phát triển trong khi ASEAN hứa hẹn là trung tâm thương mại dược phẩm quan trọng thế giới, kết nối khu vực này với phía Tây. Dự báo đến năm 2018, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành hai quốc gia sản xuất nguyên liệu và thuốc thành phẩm lớn nhất thế giới.